1. Nguồn gốc xuất xứ:
Theo thông tin từ Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, tùy theo phương pháp chế tác thai cốt và phương thức tráng men mà hình thành bốn loại: Kháp ti pháp lang; Họa pháp lang; Tạm thai pháp lang và Thấu minh pháp lang. Một trong những trung tâm pháp lam nổi tiếng của Trung Quốc thời xưa là ở Quảng Đông. Từ đây, những món đồ được chế tác theo kỹ nghệ họa pháp lang đã theo chân các tàu buôn Trung Hoa đi khắp nơi và du nhập vào Việt Nam.
Về tên gọi “pháp lam”, đây quả là một đề tài thú vị và cũng tốn khá nhiều giấy mực. Trên thế giới, sản phẩm này được người Anh gọi là “painted enamels”, Pháp là “émail peint sur cuivre”, Nhật Bản là “shipouyaki”, Trung Quốc là “pháp lang”… và ở Việt Nam thì nó mang cái tên mới tên là “pháp lam”. Pháp lam là danh xưng do triều đình nhà Nguyễn đặt ra để gọi những chế phẩm làm bằng đồng tráng men nhiều màu. Pháp lam do các nghệ nhân trong quan xưởng của triều Nguyễn chế tác, tiếp thu từ kỹ nghệ “pháp lang” (falang) của Trung Quốc.
Đối với người Trung Quốc, pháp lam là tất cả các chế phẩm có cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu rồi đem nung. Có một số phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng) hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu (trên bề mặt cốt đồng) để tạo nên giá trị pháp lam.
Pháp lam không phải là một nghệ thuật bình dân, mà sản phẩm này được dùng trong hoàng cung, tầng lớp quan lại triều Nguyễn. Vì thế, hiện vật pháp lam sau năm 1945 còn lại rất ít ở các phủ đệ, dinh thự. Trong dân gian, ít gia đình có thể sở hữu pháp lam. Do đó, sự phổ biến, kế tục nghệ thuật pháp lam rất bị hạn chế. Sau này, khi xã hội bắt đầu chú ý đến các tác phẩm pháp lam, thì kỹ thuật chế tác đã thất truyền, dấu tích các lò xưởng cũng không còn. Đó là lý do vì sao, sau nhiều năm tìm tòi, khôi phục nghề chế tác pháp lam nhưng không có hiệu quả.
2. Dấu ấn pháp lam Huế:
Pháp lam Huế xuất hiện nhiều dưới triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đây là thời kỳ thịnh vượng của triều Nguyễn, quốc gia thống nhất, kinh tế ổn định. Triều đình chăm lo việc xây dựng kinh đô, đền miếu, trang trí tô điểm cho đời sống đế vương. Theo đó, các nghệ nhân Huế với kĩ thuật phối màu độc đáo mang đặc trưng theo lối cung đình Huế cùng với việc nắm bắt được tính chất độ bền, khả năng chống chịu của pháp lam trước điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của miền Trung nên họ đã khéo léo sử dụng pháp lam để tạo thành các đồ án trang trí, gắn lên ngoại thất các công trình kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm. Những cổ vật pháp lam quý hiếm, sang trọng chỉ được dùng để trang trí nơi cung điện, tôn miếu uy nghiêm như điện Thái Hòa, điện Hòa Khiêm, điện Biểu Đức.
Nét đặc sắc và đặc biệt của việc ứng dụng pháp lam trong trang trí trên các công trình kiến trúc cung đình Huế đó là tùy vào tính chất, quy mô và tầm quan trọng của công trình mà người ta sẽ có những thể thức, lề lối trang trí khác nhau. Về cơ bản, hình thức thể hiện của các đồ án pháp lam Huế xoay quanh các chủ đề về rồng phượng, chim muông, hoa lá, phong cảnh, thơ văn, câu đối chữ Hán Nôm, và các loại họa tiết trang trí mang phong cách cổ điển và truyền thống…; màu sắc thì tươi vui, nhã nhặn với những gam màu truyền thống như tím, đỏ, xanh lam, vàng chanh, hồng phấn, xanh đậm…
Bên cạnh thành tựu nổi bật trong việc ứng dụng pháp lam trang trí cho các công trình kiến trúc cung đình, pháp lam Huế thời bấy giờ cũng được ứng dụng nhiều trong việc sản xuất các đồ gia dụng, đồ tế tự và cả đồ lưu niệm dùng trong hoàng cung như như bát, đĩa, khay, bình hoa, những đồ tế tự như lư trầm, bát hương, quả bồng. Ngày nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có trưng bày một số hiện vật pháp lam quý giá, gồm các vật dụng cung đình. Ngoài ra, pháp lam còn được lưu giữ trên các đồ án rồng, bát bửu, hoa điểu, thơ văn chữ Hán… tại một số công trình kiến trúc cổ. Đa số những hiện vật pháp lam này đều do nghệ nhân và thợ Việt Nam thực hiện.
Căn cứ vào các tác phẩm còn lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, cho thấy dòng pháp lam thời Nguyễn có đặc trưng riêng, không rập khuôn với dòng pháp lam thời Minh và thời Thanh ở Trung Quốc. Đây chính là thành tựu đáng trân trọng của các nghệ nhân pháp lam Việt Nam xưa.